Bạn có con em, người thân bị nghe kém (điếc) nặng và sâu? Bạn chưa biết bắt đầu từ đâu? Hãy đọc hết 5 lời khuyên dưới đây được đúc kết từ kinh nghiệm của các phụ huynh và chuyên gia. Hãy chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này bổ ích cho bạn và những người khác!
Xem thêm các bài viết khác
Hàng năm tại Việt Nam có hàng trăm nghìn em bé được sinh ra, và theo một nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế Giới thì cứ 1000 trẻ em sinh ra sẽ có từ 3-5 em có các vấn đề bẩm sinh về mặt thính giác. Khuyết tật về mặt thính giác nếu được phát hiện sớm và can thiệp hỗ trợ kịp thời trẻ sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ gần như bình thường và phát triển bắt kịp bạn bè cùng trang lứa.
Lời khuyên 1: Hãy sàng lọc và phát hiện sớm
Làm thế nào để tôi phát hiện ra con mình bị nghe kém?
Có hai cách để phát hiện ra nghe kém đó là sàng lọc sơ sinh và quan sát sự phát triển ngôn ngữ. Ở các nước phát triển và gần đây ở một số thành phố lớn của Việt Nam đã có dịch vụ sàng lọc khiếm thính ngay sau sinh. Trẻ em sẽ được sử dụng một máy đo cầm tay phát âm thanh vào tai và ghi nhận đáp ứng. Nếu kết quả là ĐẠT (PASS) thì bạn tương đối yên tâm vì phương pháp này đúng đến 98% còn lại nếu kết quả là CHƯA ĐẠT (REFER) thì bạn sẽ được hẹn đến kiểm tra lại tai cho bé sau một vài tuần vì có thể tai bé còn nước ối và dịch nên kết quả bị sai.
Đặc biệt nếu bé có một số nguy cơ như: mẹ bị ốm, sốt trong thai kỳ, bé sinh non, vàng da, gia đình có yếu tố di truyền….
Nếu không có điều kiện sàng lọc cho bé ngay sau khi sinh thì bạn cần chú ý quan sát đáp ứng của trẻ với âm thanh và kết hợp với việc quan sát sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu thấy nghi ngờ hãy NGAY lập tức đưa bé đến các cơ sở chuyên về khiếm thính để khám cho bé. Hãy nhớ quy tắc vàng 1-3-6:
QUY TẮC VÀNG 1-3-6:- Phát hiện ra lúc bé 1 tháng tuổi- Khám cho bé khi bé trước 3 tháng tuổi- Can thiệp máy trợ thính trước 6 tháng tuổi
Lời khuyên 2: Đưa con đi khám sớm tại những nơi có chuyên môn
Tôi phát hiện hoặc nghi ngờ bé bị nghe kém, tôi cần làm gì
Hãy nhớ quy tắc 1-3-6, nếu qua giai đoạn này rồi thì dù có muộn đi chăng nữa, Càng sớm càng tốt các bạn hãy không chần chừ, đưa con đến khám tại các trung tâm can thiệp khiếm thính có đầy đủ thiết bị và chuyên môn. Nhớ rằng thời điểm vàng để phát triển ngôn ngữ là trước 3 tuổi, càng kéo dài khả năng phục hồi và thời gian phục hồi càng khó khăn hơn.
Lời khuyên 3: Hãy chuẩn bị kỹ trước khi đi khám và lắp máy trợ thính sớm nhất có thể
Bé sẽ khám gì, mất bao lâu và hết bao nhiêu tiền?
Nếu bạn ở xa thì việc bố trí thời gian để có thể khám cho bé xong xuôi trong một lần đi lại là một việc cần phải tính toán.
Chuẩn bị:
Trước ngày đi khám hãy xác định tối thiểu bé cần 3 ngày và tối đa lên đến 01 tuần để hoàn thành các xét nghiệm.
Số tiền khám có thể dao động từ 2 triệu – 4 triệu tùy theo có phải chụp CT (các trường hợp nghi có dị dạng dây thần kinh và ốc tai.
Hãy đảm bảo bé có sức khỏe tốt nhất và quan trọng nhất là không bị viêm tai thanh dịch (Viêm tai giữa) Nếu có, hãy điều trị dứt điểm tại địa phương trước khi đưa bé lên khám.
Khám gì:
- Soi tai ( để xem có bị vấn đề về màng nhĩ, ráy tai hay không)
- Đo nhĩ lượng, Sàng lọc OAE (đánh giá chức năng tai giữa, tế bào lông ốc tai)
- Đo thính lực đơn âm
- Đo điện thính giác thân não (hay còn gọi là đo ABR, đo ngủ, đánh giá dẫn truyền thần kinh lên não)
- Chụp CT nếu cần (đánh giá xem có bất thường gì về giải phẫu hay không)
- Đổ khuôn tai (nếu có ý định lắp máy trợ thính)Nếu bạn phát hiện ra bé nghe kém và muốn lắp máy trợ thính sớm, hãy đổ khuôn tai cho bé luôn vì chi phí không quá đắt mà bé sẽ được lắp máy ngay khi quay lại trung tâm.
Lời khuyên 4: Đừng chần chờ nhiều hãy đeo máy ngay, xem xét thuê máy để tiết kiệm chi phí
Máy trợ thính là gì, tại sao cần lắp máy trợ thính, nên lắp máy trợ thính loại nào? Lắp máy trợ thính 1 bên hay hai bên? Nên mua máy hay thuê máy?
Sau khi trải qua quá tất cả các quá trình khám, bác sỹ thính học sẽ trả lại cho bạn 01 bộ hồ sơ kết quả khám của bé và sẽ tư vấn cặn kẽ cho bạn cần làm gì tùy theo mức độ nghe kém của bé.
Tuy nhiên bước đầu tiên tất cả các bé phải trải qua đó là đeo máy trợ thính.
Máy trợ thính là một thiết bị khuếch đại âm thanh để âm thanh trở nên to hơn phù hợp với khả năng nghe của bé. Việc lắp máy trợ thính ở giai đoạn đầu tiên này có 02 khả năng xảy ra.
1. Các bé nghe kém mức trung bình, nặng hoặc chớm sâu (50-90dB) Máy trợ thính giúp ích được nhiều cho bé, giúp bé lấy lại sức nghe bình thường (khoảng 30dB): Chúc mừng bạn, bé có thể tiếp tục sử dụng máy để bắt đầu quá trình học nghe nói. Nhưng hãy nhớ kiểm tra và đánh giá định kỳ để xem máy còn đáp ứng tốt hay không, có hoạt động ổn định hay không.
2. Các bé nghe kém mức độ nặng, sâu (90-110dB) Máy trợ thính thường cũng khó đáp ứng được. Tuy nhiên việc đeo máy vẫn là rất cần thiết vì nếu bé có nghe được dù chỉ một chút thì cũng là căn cứ rất tin cậy để cho thấy hệ thống thần kinh vẫn dẫn truyền tốt. Bên cạnh đó, việc đeo máy sẽ duy trình những kích thích lên hệ thần kinh thính giác giúp nuôi dưỡng sự phát triển của hệ này giúp ích cho việc can thiệp cấy ốc tai điện tử về sau.
Lắp máy trợ thính 1 bên hay 2 bên? Tất nhiên với lý lẽ thông thường ta đều nhận thấy ích lợi nhiều hơn của việc đeo máy 2 tai. Ngoài ra việc đeo máy hai tai còn giúp đánh giá xem tai nào của bé phù hợp cho việc cấy ốc tai đem lại hiệu quả tối ưu hơn.
Nếu bé bị nghe kém mức độ trung bình chớm nặng (từ 60-85dB) thì máy trợ thính sẽ hỗ trợ được rất nhiều, trường hợp bé nghe kém mức nặng – sâu (trên 90dB-110dB) thì bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý bé có thể sẽ cần phải cấy ốc tai mới đáp ứng được yêu cầu phục hồi sức nghe để học nói. Vì vậy để tối ưu về mặt chi phí bạn nên xem xét phương án thuê máy trợ thính dùng thử để theo dõi trong thời gian từ 1-3 tháng với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều.
Đeo máy của hãng nào?Theo kinh nghiệm của nhiều nhà thính học trong và ngoài nước, hiện nay dòng máy trợ thính tốt nhất cho trẻ em có thể kể đến là dòng máy Naida của hãng Phonak – Thụy Sỹ, HP của Audio Service/ Đức. Trợ thính Phúc An có chính sách cho thuê dòng các dòng máy này để bé đeo và đánh giá. Nếu sau quá trình thuê kết quả đeo máy của bé khả quan bạn có thể xem xét mua luôn máy cũng chưa muộn.
Lời khuyên 5: Lắp máy chỉ là bước đầu, hãy theo dõi sát sao con mình và có kế hoạch dạy con cụ thể.
Tôi đã lắp máy cho con rồi, trong thời gian con đeo máy tôi cần làm gì?
Trong thời gian đầu sau đeo máy, định kỳ hàng tháng bạn cần đưa bé đến đo thính lực có đeo máy (hay còn gọi là free-field, trường tự do) khi đó bé sẽ được đánh giá khả năng nghe từ các âm thanh được phát ra từ loa thùng. Sau khoảng 3 lần chỉnh bé sẽ có một chương trình nghe ổn định. Ngay từ tháng đầu tiên ba mẹ cần có kế hoạch dạy bé tập nói bằng cách tham khảo các giáo án, tham dự các lớp học AVT.
Hãy nhớ, chính bạn và tất cả thành viên trong gia đình phải là giáo viên cho con mình vì có nhiều thời gian bên bé. Giáo viên chỉ trang bị kiến thức và giúp bạn lên kế hoạch cho bé.
Định kỳ hãy nhờ các chuyên gia đánh giá khả năng nghe và mức độ phát triển của bé. Nếu khả năng nghe hoặc mức độ phát triển của bé không đạt được theo yêu cầu để bé có thể hòa nhập, hãy cân nhắc cấy ốc tai điện tử càng sớm càng tốt.
Hãy nhớ bây giờ bạn đã bắt đầu hành trình giành lại âm thanh và tiếng nói cho con, đây là một hành trình gian nan nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc. Hãy sắp xếp công việc và gia đình không quá đảo lộn và quan trọng vẫn có thời gian cho bé yêu của mình.
Hi vọng những lời khuyên trên sẽ có ích cho bạn giúp bạn chủ động hơn trong bước ban đầu của chặng đường giành âm thanh cho con.
Bản quyền thuộc về Trợ Thính Phúc An - Yêu cầu ghi rõ nguồn khi trích dẫn hoặc đăng lại.