NGƯỜI CAO TUỔI: NHỮNG KHO BÁU BỊ LÃNG QUÊN TRONG MỖI GIA ĐÌNH.
Tôi là một trong những đứa trẻ sinh ra không biết mặt ông bà nội ngoại vì ba mẹ tôi đều mồ côi từ nhỏ, còn ông nội tôi cũng mất khi tôi còn rất nhỏ nên tôi cũng không nhớ mặt ông. Tôi chỉ được nghe bố mẹ kể rằng ông rất hay bế tôi lúc tôi còn nhỏ và đó là những tưởng tượng rất ấm áp của tôi về ông mỗi khi nhìn lên ảnh ông nghiêm nghị trên ban thờ gia tiên.
Có lẽ vì thế mà tôi rất thích được trò chuyện với người già, được ngắm những nếp nhăn trên khuôn mặt họ, được nắm bàn tay thô ráp của họ. Tôi thấy người già sao mà đẹp đến vậy, những nếp nhăn như những chứng tích của thời gian. Tôi luôn học được rất rất nhiều qua những câu chuyện của mỗi người già mà tôi gặp. Họ dường như luôn thấu hiểu, cảm thông và rộng lượng.
Công việc tư vấn trợ thính đến với tôi như một cái duyên, nhờ có công việc này mà mỗi ngày tôi đều được tiếp xúc với những bậc cao tuổi đáng kính. Có lẽ đây là “luật hấp dẫn” khi thượng đế cho tôi được cơ hội gặp gỡ những người tôi yêu mến hàng ngày.
Càng tiếp xúc nhiều tôi càng trăn trở nhận ra xã hội chúng ta đang lãng quên những kho báu tri thức của người cao tuổi khi chúng ta lãng quên họ và bỏ mặc họ trong cô đơn và xa cách bởi khả năng giao tiếp suy giảm của họ.
70% người cao tuổi bị suy giảm thính lực, điều đó khiến cho họ có xu hướng ngại giao tiếp, ngại trò chuyện và tiếp xúc đông người. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao tính nết của ba mẹ thay đổi khi về già trở nên hay cáu bẳn, nói to, giả vờ nghe rõ nhưng luôn xua tay ra chừng không đồng tình nhưng kỳ thực là không nghe rõ.
Rất nhiều cụ khi bước vào phòng khám của tôi với dáng vẻ buồn chán, suy nghĩ tiêu cực nhưng khi họ được nghe rõ trở lại thì đột nhiên lại nói rất nhiều, thậm chí hát, đọc thơ.
Người cao tuổi nghe kém được trợ thính có xu hướng sống cuộc sống tích cực, năng động khỏe mạnh hơn. Họ tự đi lại, chăm sóc cho bản thân tốt hơn và thích trò chuyện hơn.
Và những câu chuyện, những kinh nghiệm cuộc sống của người cao tuổi như những kho báu với mỗi chúng ta.
Người cao tuổi minh mẫn và hạnh phúc chính là niềm hạnh phúc của cả gia đình và cộng đồng. Sau cả cuộc đời cống hiến cho gia đình, và xã hội người cao tuổi xứng đáng tận hưởng cuộc sống chất lượng nhất về mặt tinh thần. Họ cần được trò chuyện cùng con cháu, xem các bộ phim yêu thích, nghe các bài hát yêu thích.
Hãy cùng nhau gìn giữ sức khỏe thính giác của cha mẹ, ông bà như gìn giữ kho báu của gia đình bạn!